Điện năm 2017: Sản lượng không thiếu, giá không biến động

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho biết, với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6,8% năm 2017, Tập đoàn sẽ cân đối tất cả các nguồn điện, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khu vực phát triển nóng - miền Nam.

Post by admin

18:10 - 07/01/2017

Bình luận

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho biết, với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6,8% năm 2017, Tập đoàn sẽ cân đối tất cả các nguồn điện, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khu vực phát triển nóng - miền Nam.

Cụ thể thành các phương án Với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,7%, dự báo nhu cầu điện năm 2017 tăng tiếp tục vẫn ở mức cao (từ 11 - 12% so với năm 2016). EVN đã đưa ra 4 phương án cấp điện.

NGÀNH ĐIỆN

Hình ảnh minh họa.

Phương án 1 cơ sở được dự tính phụ tải tăng trưởng 11,5%, tần suất nước về các hồ thủy điện 65%. Việc đảm bảo cấp điện cho cả nước nói chung và miền Nam nói riêng phụ thuộc chủ yếu vào việc vận hành ổn định, tin cậy của các tổ máy Nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1. Dự kiến, sản lượng điện huy động từ 2 nhà máy này trong 6 tháng mùa khô trên 7 tỷ kWh.Đồng thời, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 cũng sẽ đóng góp khoảng gần 2 tỷ kWh vào mùa khô để cung cấp điện cho miền Nam. Trong trường hợp không thể đảm bảo sản lượng trên, hệ thống điện quốc gia có thể phải huy động thêm nhiệt điện dầu.

Phương án 2 có phụ tải tương tự phương án 1, nhưng lưu lượng nước về kém hơn (tần suất 75%). Đề bù lại phần thủy điện bị giảm, hệ thống điện quốc gia sẽ cần huy động thêm các nguồn nhiệt điện than, khí và dầu ngay từ đầu năm. Dự kiến, sản lượng dầu huy động là hơn 2,3 tỷ kWh trong mùa khô và hơn 4 tỷ kWh/năm.

Phương án 3 với phụ tải tăng trưởng 13%, tần suất nước về 65%. Theo đó, trong 6 tháng mùa khô, các nguồn nhiệt điện than và tubin khí miền Nam được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Các nguồn thủy điện miền Nam được điều tiết để giữ mực nước cao đến cuối mùa khô, đảm bảo cung cấp điện. Sản lượng dầu dự kiến huy động là 2,3 tỷ kWh trong mùa khô và hơn 3,5 tỷ kWh cả năm.

Phương án 4, phụ tải cao 13%, tần suất nước về kém 75%. Ngoài huy động cao các nguồn nhiệt điện than và khí, nhiệt điện dầu cũng phải huy động cao ngay từ đầu năm. Dự kiến, sản lượng nhiệt điện dầu huy động trong mùa khô là hơn 4 tỷ kWh và cả năm là gần 6 tỷ kWh.

Như vậy có thể thấy, mặc dù đang “mỏng dần” nhưng sản lượng điện tiếp tục có dự phòng. Bên cạnh đó, cùng với dự kiến hoàn thành 283 công trình 110 - 500kV trong năm 2017, phần nhiều là các dự án trọng điểm, cấp bách cấp điện cho miền Nam, EVN cũng đặt quyết tâm đưa mạch 3 tuyến 500kV từ Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku2 vào vận hành giúp việc bảo đảm cấp điện cho khu vực này sẽ bớt nóng hơn.

Giá điện sẽ được cân nhắc thận trọng

Còn nhớ đầu năm 2016, nhiều yếu tố tác động đến đầu vào của điện như giá than, khí… biến động thất thường, khắc nghiệt của thời tiết ảnh hưởng đến thủy điện (chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện), nhu cầu vốn rất lớn cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, những biến động về tỷ giá… khiến nhiều nhận định cho rằng giá điện điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo về bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2016 ngành điện đã không thực hiện điều chỉnh giá bán điện, góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Mặc dù được dự báo sẽ còn nhiều thách thức, song theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, năm 2017 cũng sẽ không "ồn ào" về giá điện. Để thực hiện được điều này, bên cạnh nỗ lực của EVN, các ngành khác như dầu khí, đặc biệt là ngành than cũng được yêu cầu có kế hoạch bảo đảm cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện sẽ được tiến hành rà soát quy trình vận hành, vấn đề tài chính, đầu tư của EVN cũng đang từng bước được minh bạch… Đây là những cơ sở quan trọng trong việc bảo đảm sản lượng cũng như không để “ồn ào” về giá điện.

Thực tế, vấn đề tăng giá điện như thế nào cho hợp lý vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Như chia sẻ của TS Hoàng Quang Hàm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc điều chỉnh giá điện phải nằm trong bài toán điều hành kinh tế vĩ mô, làm sao cho hài hòa giữa các chỉ số: “Nếu tăng chi phí tiền điện sẽ ảnh hưởng ngay đến đầu vào sản xuất, sinh hoạt dân cư. Nếu không tăng tiền điện thì Nhà nước phải bù, mà tăng lên lại ảnh hưởng đến nhiều đối tượng nên phải hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước”.