Trước đó, ngày 3/1 bệnh viện tiếp nhận bé Nguyễn Ngọc Mạnh (6 tuổi, trú thị xã Hoàng Mai) nhập viện trong tình trạng khó thở, ho nhiều, nhưng không bị sốt.
Qua lời kể của người thân, trước đó cháu bé đã ngậm kèn để thổi, nhưng hút hơi mạnh quá khiến kèn lọt thỏm vào miệng rồi trôi vào trong người. Thời điểm kèn ở khí quản, bé thở ra tiếng kêu, người nhà dùng tay để móc kèn nhưng bất thành và kèn trôi tiếp vào phế quản.
Sau ca gắp dị vật 2 ngày, hôm nay, bệnh nhi đã bình phục
Theo bác sĩ Tăng Xuân Hải (Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An) do dị vật là nhựa, không ngấm thuốc cản quang nên quá trình chụp phim không nhìn thấy, qua chuẩn đoán lâm sàng và từ thông tin của người nhà nên bác sĩ thực hiện nội soi.
"Dị vật bằng nhựa, hình tròn nên chúng tôi gặp khó khăn khi gắp bởi bị xoay trượt. Gần một giờ đồng hồ, ê kíp bác sĩ mới lấy được dị vật dài gần 1,5 cm; rộng 0,5 cm ra khỏi phế quản của bệnh nhân".
Dị vật được gắp ra khỏi cơ thể bé.
Được biết, bé Mạnh đang trong thời gian thay răng sữa, nên khi bé hít mạnh, đầu chiếc kèn chui qua kẽ răng chưa mọc mới và chui vào đường thở. Rất may mắn là đầu chiếc kèn có kẽ hở nên không bít hoàn toàn đường thở của bệnh nhân.
Các chuyên gia khuyến cáo, người lớn cần tập cho trẻ thói quen ăn trong yên tĩnh, không đùa nghịch. Không cho trẻ nghịch những đồ chơi tròn, nhỏ, không nên cho trẻ đeo vòng có hạt. Chưa kể thức ăn thông thường cũng có thể trở thành dị vật nếu như trẻ đang ăn mà khóc.
Ngoài ra, khi thấy con bị hóc thức ăn, đồ chơi... không nên cho tay vào miệng trẻ để móc ra. Biện pháp này vô tình lại đẩy dị vật vào sâu hơn, nhất là dị vật tròn thì càng nguy hiểm.
Thực tế, biện pháp sơ cứu tốt nhất đối với trẻ dưới hai tuổi là các bậc phụ huynh nên đặt trẻ nằm đầu thấp, sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ tạo áp lực trong lồng ngực để đẩy dị vật ra. Với trẻ lớn hơn, các bậc phụ huynh ôm lấy ngang bụng trẻ, ép bụng trẻ lại, dị vật vọt ra dễ dàng hơn