MV Sơn Tùng đầy sạn, đạo đủ thứ khán giả kém tinh tế vẫn tung hô

Phải chăng khán giả Việt đang “ủng hộ” quá nhiệt tình những sản phẩm nghệ thuật của các ngôi sao trẻ và đang biến mình thành người dễ dãi, kém tinh tế khi trong quá trình thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật?

Post by admin

15:35 - 07/01/2017

Bình luận

Phải chăng khán giả Việt đang “ủng hộ” quá nhiệt tình những sản phẩm nghệ thuật của các ngôi sao trẻ và đang biến mình thành người dễ dãi, kém tinh tế khi trong quá trình thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật?

Một MV hình ảnh đẹp nhưng nghe không rõ lời và quá nhiều “sạn” vẫn nhận được lượt xem “khủng”.
Một MV hình ảnh đẹp nhưng nghe không rõ lời và quá nhiều “sạn” vẫn nhận được lượt xem “khủng”.

Bị chê kém chất lượng nhưng vẫn lọt top

Nhắc đến Sơn Tùng M-TP người ta nói nhiều về thị phi, những ồn ào xung quanh vấn đề đạo nhạc và chất lượng của mỗi tác phẩm nghệ thuật mà nam ca sĩ này trình làng. Tuy nhiên, có lẽ vì “duyên” với nghề quá lớn nên Sơn Tùng 

M-TP dù liên tục vấp phải sóng gió dư luận nhưng vẫn “thuận buồm xuôi gió” mỗi khi phát hành các sản phẩm âm nhạc của riêng mình. Bằng chứng là, chỉ sau gần 5 ngày ra mắt, MV “Lạc trôi” đã có hơn 16 triệu lượt xem trên trang Youtube. Theo thống kê của một trang web, MV mang màu sắc cổ trang của Sơn Tùng vượt qua cả Justin Bieber, Taylor Swift... giành vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng sản phẩm được xem nhiều nhất trong ngày trên YouTube. Ngoài Sơn Tùng, chắc có lẽ từ trước đến nay chưa một nghệ sĩ Việt nào làm được. Ấy thế nhưng những tranh cãi và ồn ào xung quanh MV “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP thì cũng không có nghệ sĩ nào sánh kịp.

Đầu tiên phải kể đến đó là chất lượng âm thanh của sản phẩm, nếu như hình ảnh sắc nét, ma mị, gây ấn tượng với người xem bao nhiêu thì âm thanh, lời bài hát trong MV lại mờ nhạt và hầu như khán giả đều than phiền “không nghe rõ lời” bấy nhiêu. Thậm chí dưới phần bình luận của MV trên Youtube không ít khán giả đã thẳng thắn trình bày quan điểm “Tôi cần sub đi kèm (phiên dịch – PV) lời bài hát bởi không thể nào nghe ra được câu chữ nào”. Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh lựa chọn để xuất hiện cũng gặp phải làn sóng “chế ảnh” dữ dội bởi trong trang phục của Sơn Tùng lựa chọn thuộc về thời kì cổ trang nhưng song song với đó là sự kết hợp với giày thể thao… thứ mà chỉ có ở thời hiện đại. 

Tiếp theo phải kể đến một cảnh quay trong MV cũng vấp phải làn sóng tranh cãi của cư dân mạng đó là hình ảnh Sơn Tùng “đốt thuốc” và diễn cảnh “đê mê” để hồi tưởng lại hình ảnh người con gái mình yêu trong MV. Mặc dù nhiều người lên tiếng bênh vực rằng đó chỉ là hình ảnh tượng trưng bởi khi quay cận cảnh thì Sơn Tùng M-TP thực chất chỉ sử dụng hạt điều khi để thuốc. Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng, cảnh quay đó không hề văn minh khi xuất hiện trong một MV ca nhạc và lại có độ phủ sóng cao như hiện nay.

Cuối cùng là vấn đề “muôn thuở” của Sơn Tùng, mặc dù sản phẩm này rất được khán giả đón nhận nhưng cũng kèm theo rất nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, không ít khán giả cho rằng sản phẩm này khá giống ca khúc của Rihanna, BTS, chưa kể cảnh quay trong MV “Lạc trôi” khiến nhiều người liên tưởng tới Bae Bae của Big Bang.

Không chỉ dừng lại ở đó, cộng đồng fan anime Nhật Bản đã “soi” rất kĩ và phát hiện rằng, không chỉ đạo âm nhạc, Sơn Tùng M-TP còn đạo cả hình ảnh nhân vật là anh chàng tóc trắng trong anime Nhật có tên Inu Yasha… Có quá nhiều mâu thuẫn và tranh cãi xung quanh một MV ca nhạc, kể cả khi chẳng mấy người nghe rõ lời, “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP vẫn nhận view “khủng”? 

Hay như bây giờ, những câu cửa miệng của giới trẻ như “hotboy”, “đắng lòng”, “xấu như con gấu”... cũng được đưa vào lời bài hát. Không chỉ dừng lại ở ca từ bình dân, nhiều ca khúc nhạc trẻ còn chứa đựng ngôn từ tục tĩu, phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Ca khúc “Phiếu bé ngoan 2” của Yanbi, Mr T, T-akayz, Đat Low và Bueno từng bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý vi phạm hành chính vì có nội dung tục tĩu, mô tả hoạt động tình dục một cách trần trụi. Điều lạ là những ca khúc này lại thường xuyên đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc online và được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội.

Dấu chấm hỏi đặt ra rằng: Chúng ta có quá ưu ái với các sản phẩm âm nhạc Việt, hay chúng ta đang quá dễ dãi với nghệ thuật mà chính mình là người thưởng thức?

Ưu ái hay kém tinh tế trong khả năng thưởng thức?

Nhiều người nói đùa rằng lượt view “khủng” mà Sơn Tùng có được là do nhiều người phải nghe đi nghe lại bởi không thể nghe rõ lời. Một bộ phận khác thì cho rằng ngoài nhưng fan của Sơn Tùng, những người yêu thích cảnh quay trong “Lạc trôi” và những người tò mò với sản phẩm âm nhạc đấy thì số đông còn lại họ xem “Lạc trôi” vì muốn tìm ra Sơn Tùng “đạo” hình ảnh và âm nhạc ở đâu. Và dù như nào đi chăng nữa thì bằng sự dễ dãi khi chọn lựa tác phẩm âm nhạc để thưởng thức khán giả Việt đã giúp ca sĩ đó kiếm “bộn” tiền từ Youtube.

Và MV gây tranh cãi và quá nhiếu thiếu sót nhưng dựa trên lượt view khủng nhiều người gọi đó là thành công vang dội của Sơn Tùng khi ra mắt MV “Lạc trôi”. Giá như khán giả khắt khe hơn, biết sàng lọc hơn khi lựa chọn một sản phẩm nghệ thuật xứng đáng được tung hô thì chắc có lẽ ở những tác phẩm nhạc về sau ca sĩ và ekip của họ sẽ hoàn thiện hơn và cho ra mắt những sản phẩm chất lượng hơn. Thay vì một tác phẩm đưa lại quá nhiều phê bình và tranh cãi nhưng vẫn được gọi là thành công bởi lượt view “khủng”. 

Nhiều người lo ngại việc tiếp nhận quá dễ dãi các sản phẩm như thế này là dấu hiệu cho thấy bước thụt lùi của âm nhạc Việt Nam cũng như gu thưởng thức âm nhạc của khán giả trẻ. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng các ca khúc bình dân này nghe để giải trí là chủ yếu, các nghệ sĩ đa phần còn trẻ nên khó có thể yêu cầu những sáng tác có chiều sâu chỉ cần tạo ra hiệu ứng và làm nóng được thị trường âm nhạc là được. Vậy liệu khán giả trẻ hiện nay có quá dễ dãi khi tiếp nhận những ca khúc dù nhiều “sạn” nhưng chỉ cần đến từ người nổi tiếng là được, hay đây chỉ là nhu cầu tất yếu của thị trường? 

Nhạc sĩ người Nga Prokophiev từng nói: “Người nhạc sĩ không được chiều theo khán giả, hạ thấp thẩm mỹ như phong cách quần chúng dân dã, khẩu vị thấp kém...”. Sứ mệnh của người làm nghệ thuật chuyên nghiệp là phải hướng dẫn, nâng cao thẩm mỹ và trình độ của công chúng. Thiết nghĩ, đó cũng là phương châm cho các nhạc sĩ Việt Nam sáng tạo tác phẩm có giá trị, tạo dựng môi trường âm nhạc lành mạnh.

Một MV hình ảnh đẹp nhưng nghe không rõ lời và quá nhiều “sạn” vẫn nhận được lượt xem “khủng”.